Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19

(MPI) – Ngày 09/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả 5 mục tiêu tổng quát.

Thứ nhất, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường; huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân; mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh ngoại giao vắc xin, thuốc chữa bệnh để có vắc xin, thuốc chữa bệnh sớm nhất, nhiều nhất có thể; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, đồng thời hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhưng phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh; không để xảy ra khủng hoảng kinh tế – xã hội, có lộ trình, kế hoạch cụ thể để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trở lại, sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Tập trung nghiên cứu khoa học, phân tích thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm quốc tế để xây dựng các giải pháp phù hợp, hiệu quả từng bước thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Thứ hai, kiên trì, quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm “Chống dịch như chống giặc”; đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh; “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, “Lợi ích hài hòa – rủi ro chia sẻ”, “An toàn mới sản xuất, sản xuất thì phải an toàn”; chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức, nói đi đôi với làm; lấy người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh làm trung tâm phục vụ, đồng thời là chủ thể tham gia phòng, chống dịch.

Thứ ba, tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên nguyên tắc khó khăn, vướng mắc ở cấp nào, địa phương nào thì cấp đó, địa phương đó phải chủ động, kịp thời, tháo gỡ, giải quyết, đề cao trách nhiệm cá nhân, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, gây ùn tắc trong lưu thông hàng hóa; trường hợp vượt thẩm quyền, phải chủ động báo cáo cấp trên trực tiếp xem xét, xử lý; tập trung triển khai ngay các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, ách tắc với phương châm “sớm nhất – hiệu quả nhất” nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân.

Thứ tư, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc áp dụng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả và an toàn phòng, chống dịch. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Thứ năm, mở rộng và bảo vệ chặt chẽ vùng an toàn dịch bệnh nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; kiểm soát dịch bệnh và sớm ổn định sản xuất, kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu vực, địa bàn sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động.

Nghị quyết đưa ra các mục tiêu cụ thể, gồm: tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19.

Đến hết năm 2021 phấn đấu đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu như: Lũy kế ít nhất khoảng 01 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh; Đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động; Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động,… cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp

Căn cứ quan điểm, mục tiêu và tình hình thực tiễn nêu trên, Chính phủ quyết nghị 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Thứ nhất, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tácxã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.Theo đó, Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ. Đồng thời, giao các địa phương chủ động chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả; huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đời sống cho người lao động.

Thứ hai, đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương chủ trì, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và giao các địa phương cùng với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trở lại khi đáp ứng điều kiện an toàn phòng, chống dịch; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhưng phải an toàn phòng, chống dịch; huy động tối đa các nguồn lực hiện có, nhất là hợp tác công tư để hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho người lao động.

Đánh giá đầy đủ khả năng của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong việc đáp ứng yêu cầu an toàn phòng chống dịch khi áp dụng các mô hình: “Một cung đường, hai điểm đến”, “Ba tại chỗ”, “Ba cùng”… và các mô hình phù hợp để áp dụng khi đáp ứng điều kiện an toàn, phù hợp với thực tiễn địa phương.

Vận dụng sáng tạo, linh hoạt cách làm hay, mô hình hiệu quả vào thực tế địa phương; kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Tập trung tháo gỡ triệt để tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập trong thực thi các quy định, thủ tục vềphòng, chống dịch COVID-19, tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Trung ương; không tạo ra các loại giấy phép “con”, các điều kiện cản trở lưu thông hàng hóa, không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản.

Thứ ba, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Các địa phương căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương và nguồn huy động đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho phòng, chống dịch COVID-19, quyết định việc hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí xét nghiệm COVID-19 cho người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đóng trên địa bàn thông qua các cơ sở xét nghiệm.

Xem xét giảm mức phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển loại I và IA trên địa bàn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có hoạt động xuất, nhập khẩu theo tình hình thực tế của dịch COVID-19 và lùi thời gian bắt đầu thu phí tại khu vực cửa khẩu và cảng biển nêu trên đối với địa phương chưa thực hiện thu phí để hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia. Các địa phương áp dụng thống nhất quy định cách ly y tế tập trung đối với người nhập cảnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, nghiên cứu có giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại địa phương thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, các cơ sở sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; chủ động xây dựng phương án hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động từ các địa phương khác trở về, góp phần đảm bảo an sinh cho người lao động và trật tự an toàn, xã hội.

Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao trực tiếp chỉ đạo, khẩn trương tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết này, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; kịp thời động viên, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kết hợp tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện các quy định, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn, nghiêm cấm tình trạng tham nhũng, tiêu cực.

Chỉ đạo việc tạm dừng, giãn, hoãn các cuộc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa cần thiết đã có trong kế hoạch năm 2021 và tổ chức thực hiện vào thời gian phù hợp sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Chịu trách nhiệm thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao đúng tiến độ và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Bố trí đầu mối chuyên trách, chuyên nghiệp để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Sau khi ban hành các chính sách, giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề kịp thời nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.

Các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, liên minh hợp tác xã tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thành viên, hộ kinh doanh; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, đào tạo nhân lực, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan, các địa phương đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh. Thực hiện sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết này đến hết năm 2021, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01 năm 2022.

Chính phủ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát huy tinh thần yêu nước, bản lĩnh, khát vọng và giá trị “Tâm – Tài – Trí – Tín” của đội ngũ doanh nhân tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, đoàn kết, chung tay, chung sức, đồng hành cùng các cấp, các ngành, các địa phương và Nhân dân cả nước chiến thắng dịch bệnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *